Đây là một trong những mục đích của dự án “Nuôi trùn quế từ vỏ sầu riêng để làm phân bón cho cây sầu riêng” do học sinh Phạm Thị Bích Hồng (lớp 11A5) thực hiện dưới sự hướng dẫn của cô giáo Ngô Thủy Diệp (giáo viên Sinh học). Dự án này đã đạt giải Tư tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng năm học 2023 – 2024.
Đây là một trong những mục đích của dự án “Nuôi trùn quế từ vỏ sầu riêng để làm phân bón cho cây sầu riêng” do học sinh Phạm Thị Bích Hồng (lớp 11A5) thực hiện dưới sự hướng dẫn của cô giáo Ngô Thủy Diệp (giáo viên Sinh học). Dự án này đã đạt giải Tư tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng năm học 2023 – 2024. Huyện Đạ Huoai được biết đến là “thủ phủ sầu riêng” của tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là khu vực phía Bắc của huyện, nơi nhà trường đóng chân. Sầu riêng trong những năm qua đã mang đến nguồn thu nhập ổn định, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống của bà con địa phương. Vào mùa thu hoạch, bên cạnh việc thu mua, xuất bán nguyên trái sầu riêng, nhiều hộ kinh doanh và các nhà vườn còn thực hiện việc bóc tách múi sầu riêng để cấp đông nhằm tận dụng tối đa những trái sầu riêng chưa đảm bảo tiêu chuẩn về hình thức. Việc này đã khiến cho số lượng vỏ sầu riêng thải ra môi trường ngày một tăng cao nhưng khâu xử lý gần như chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, trong quá trình canh tác, cây sầu riêng được đánh giá là loại cây trồng khó chăm sóc, dễ bị già hóa, giảm năng suất nếu không được chăm bón đúng cách. Việc sử dụng phân bón hóa học trong thời gian dài có thể làm suy thoái cây sầu riêng, khiến chất lượng trái không đảm bảo, ảnh hưởng đến nguồn thu của người trồng.
Nhận thấy vấn đề trên, cô giáo Ngô Thủy Diệp đã gợi ý cho em Phạm Thị Bích Hồng bắt tay vào thực hiện dự án nhằm góp phần giải quyết tình trạng vỏ sầu riêng thải ra môi trường, đồng thời tận dụng chính vỏ sầu riêng để làm phân bón sinh học thân thiện, bón cho cây sầu riêng để tăng hiệu quả chăm sóc và góp phần tăng năng suất cho cây. Dự án được thực hiện theo quy trình 03 bước: nuôi trùn quế, sản xuất phân bón từ trùn quế thịt, thực nghiệm. Theo đó, vỏ sầu riêng sau khi được thu gom từ các nhà vườn và các hộ kinh doanh sầu riêng sẽ được thả trùn quế vào để nuôi. Sau khi trùn quế đạt đến độ tuổi đảm bảo sẽ tiến hành thu hoạch và đem đi ủ với dung dịch EM cùng với với một số nguyên liệu dễ tìm khác như chuối, đậu nành, mật rỉ đường,… để tăng thêm dinh dưỡng, từ đó tạo ra phân bón cho cây sầu riêng.
Phân trùn quế thu được có giá trị sử dụng cao vì phân trùn cải tạo được tính chất vật lý của đất làm cho đất tơi xốp, tạo sự thông khí trong đất từ đó thúc đẩy vi sinh vật phát triển có lợi cho việc hút nước của cây, tăng khả năng giữ nước và giữ độ phì nhiêu cho đất không bị cuốn trôi.
Điểm đặc biệt của dự án nằm ở chỗ, tùy vào sự kết hợp thịt trùn quế với các nguyên liệu mà có thể tạo ra các loại phân bón phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau của cây. Ví dụ: Phối trộn 30% trùn quế thịt + 20% đậu nành, chuối chín + Dịch EM 50% pha với mật rỉ đường ủ 30 ngày sẽ được phân trùn quế EM-I sử dụng cho giai đoạn cây con hoặc kéo dài bông, kéo dài đọt. Phối trộn 20% trùn quế thịt + 20% trứng vịt, + Dịch EM, chuối chín, sữa tươi: 60% pha với mật rỉ đường ủ 30 ngày được phân trùn quế EM-II sử dụng cho giai đoạn cây con, chăm sóc trái non. Phối trộn 25% trùn quế thịt + 25% chuối chín + Dịch EM, sữa tươi: 50% pha với mật rỉ đường ủ 30 ngày được phân trùn quế EM-III sử dụng cho giai đoạn trái trưởng thành và trái chín.
Dự án đã bước đầu hình thành hướng giải quyết cho tình trạng vỏ sầu riêng xả thải ra môi trường sau mỗi vụ thu hoạch nhờ việc tận dụng cơ năng phân giải hữu cơ của trùn quế. Đồng thời, phân trùn góp phần làm giảm mức sử dụng phân hóa học, giúp cây sầu riêng phát triển tốt, tăng khả năng chống sâu bệnh, giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu, nhờ đó bảo vệ được môi trường.
Đặc biệt, việc bắt tay thực hiện dự án đã thể hiện sự tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh nhà trường. Thông qua dự án, học sinh có cơ hội vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, tích lũy trải nghiệm cho bản thân, đóng góp cho cộng đồng xã hội.
Giải Tư của dự án đã góp phần thúc đẩy hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật của nhà trường, là nguôn động lực thôi thúc các em học sinh có đam mê nghiên cứu, sáng tạo mạnh dạn đăng ký thực hiện đề tài, từng bước tạo thành phong trào rộng rãi trong nhà trường.